tháng 2 2016

Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng biết rằng tuổi trẻ là một thành phần, yếu tố quan trọng , ảnh hưởng đến tương lai đất nước, vì thế mà Bác đã căn dặn: “ Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”. Chúng ta cùng tìm hiểu vai trò của tuổi trẻ với tương lai đất nước.



Tuổi trẻ là những công dân ở lứa thành niên, thanh niên… là thế hệ măng đã sắp thành tre, là người đã đủ điều kiện, đủ ý thức để nhận biết vai trò của mình đối với bản thân, xã hội.

Tuổi trẻ của mỗi thời đại là niềm tự hào dân tộc, là lớp người tiên phong trong công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước.

Tương lai đất nước là vận mệnh, là số phận của đất nước mà mỗi công dân sẽ góp phần xây dựng, phát triển, trong đó quan trọng nhất là thế hệ trẻ.

Thế kỉ 21, thế kỉ của sự phát triển, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá kinh tế, đất nước. Để có thể bắt kịp đà phát triển của những nước lớn mạnh thì đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của tất cả mọi người mà lực lượng chủ yếu là tuổi trẻ. Bởi đó là lực lượng nồng cốt, là chủ nhân tương lai, là nhân vật chính góp phần tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho non sông Tổ quốc.

Tuổi trẻ hôm nay là tôi, là bạn, là những anh chị đang có mặt trên giảng đường đại học,đang hoạt động bằng cả tâm huyết để cống hiến sức trẻ với những đam mê cùng lòng nhiệt tình bốc lửa. Tuổi trẻ tốt thì xã hội tốt, còn xã hội tốt sẽ tạo điều kiện cho tầng lớp trẻ phát triển toàn diện, sinh ra những người con có ích cho đất nước, đó là điều tất yếu, hiển nhiên mà ai cũng biết.

Mỗi người chúng ta cũng đi qua thời tuổi trẻ- tuổi của sức mạnh phi thường, của cái tuổi không chịu khuất phục trước khó khăn và sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Sức mạnh vô sông của tuổi trẻ “ sông kia phải chuyển, núi kia phải dời”. Chúng ta chỉ có một lần trong đời là tuổi trẻ vì vậy cần phải nắm bắt, cần đóng góp sức lực cho đất nước.

Việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của mọi người, mọi công dân chứ không phải của riêng ai. Nhưng với số lượng đông đảo hàng chục triệu người thì lẽ nào tuổi trẻ lại không thể xây dựng đất nước. Chẳng lẽ chúng ta để cho những cụ già đi khuân vác, lao động nặng, những phụ nữ phải ngày đêm làm việc trong các nhà xưởng đầy khói bụi, những trẻ em phải phụ giúp gia đình ngay còn nhỏ mà “quên” đi việc học hành, lúc đó chúng ta sẽ “làm” gì? Chẳng lẽ ngồi không như một “người bị liệt”. Vì vậy chúng ta phải cố gắng xây dựng đất nứơc như lời dặn của Bác: “ Các vua Hùng đã có công dựng nước, thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Sinh ra ở đời ai cũng khao khát được sống hạnh phúc, sung sướng. Mỗi người luôn tìm cho mình một lẽ sống hay nói đúng hơn là lý tưởng sống. Là chủ nhân tương lai thì chúng ta phải xác định cho mình lý tưởng sống phù hợp, đúng đắn. Trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay thì tuổi trẻ chúng ta lại đứng trước một câu hỏi lớn : “ Sống như thế nào là đúng đắn là có ích cho xã hội?” Vì lý tưởng sống của chúng ta là động lực thúc đẩy đất nước phát triển.

Và thời nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xong pha vào những nơi gian khổ mà không ngại khó.Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong thời kì kháng chiến. Những người con đất nước như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc.Đây là những thanh niên của hơn 40 năm trước còn lớp thanh niên ngày nay thì sao?

Vâng. Cách bạn ạ! Chúng ta nên biết một điều: những thế hệ trước đã dâng hiến xương máu để ngày sau độc lập thì chúng ta phải biết “ cùng nhau giữ nước” và nối tiếp , kế thừa truyền thống cao đẹp đó. Và một điều quan trọng là các bạn đừng nghĩ đó là nghĩa vụ để rồi miễn cưỡng thực hiện. Chúng ta phải hiểu rằng: được sinh ra là một hạnh phúc và sống tự do, no đủ là một món quà quý báu, vô giá mà quê hương xã hội đã ban tặng. Hạnh phúc không tự nhiên mà có mà đó xương máu, tâm huyết của biết bao người con của đất nước.Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử mà thanh niên nuôi dưỡng những ước vọng, suy nghĩ riêng. Chúng ta không được bác bỏ, phũ nhận quá khứ hay công sức của những anh hùng dân tộc. Đơn giản là vì mỗi thế hệ đều có sứ mệnh riêng, nhận thức riêng mà chúng ta không nên so bì, tính toán. Vì vậy: “Không có chuyện lớp trẻ ngày nay quay lưng với quá khứ” (như tổng bí thư Đỗ Mười nói)

Nhưng tuổi trẻ chúng ta có điều kiện gì để xây dựng đất nước? Vâng, đó chính là học tập. Nói đến tuổi trẻ hôm nay là nói đến việc học hành.. Trong cuộc sống ta gặp không ít trường hợp xem việc học là việc khổ sai chỉ do cha mẹ, thầy cô thúc ép, chứ không ham học. Họ xem đi học như một hình thúc giải khuây cho vui nên không cần học tập, coi học học tập là một nỗi nhọc nhằn.Có người lại coi việc học là để ứng phó với đời, để không xấu hổ với mọi người, để có “bằng cấp” mà hãnh diện với đời, dù đó chỉ là “hàng giả” mà thực lực không làm được.Chúng chẳng những không đưa nước ta “sánh kịp với cường quốc năm châu” mà còn đưa nước ta về lạc hậu, lụn bại.

Cách duy nhất là phải học chân chính, học bằng khả năng của mình.Bước vào thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì ai nắm được tri thức thì mới có thể xây dựng đất nước, lèo lái chiếc thuyền số phận của non sông Tổ quốc.Và nhiệm vụ của chúng ta phải học, học nũa, học mãi. Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để chúng ta dễ dàng tiếp cận tri thức thì tương lai dân tộc mới sáng lạn, lấp lánh hào quang.

Tóm lại, tuổi trẻ là người sẽ quyết định tương lai đất nước sau này.Tuổi trẻ nước ta đầy rẫy nhân tài sẽ góp phần cho dáng hình sứ sở. Ngay từ hôm nay, tôi, bạn và tất cả mọi người phải cố gắng học tập để sau này có thể giúp nước ta tiến nhanh trên con đường xây dựng và phát triển nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

I – Gợi dẫn
1. Thể loại




Cáo là thể văn có nguồn gốc từ Trung Quốc xưa. Cáo được chuyên dùng để vua công bố việc lớn với muôn dân. Nguyễn Trãi dùng hai chữ đại cáo vốn là tên gọi một bài cáo cổ xưa nhất của Trung Quốc để thay lời Lê Lợi công bố cuộc bình Ngô thắng lợi với thiên hạ.


Cáo thường hay dùng văn biền ngẫu. Văn biền ngẫu còn gọi là “biền văn”, “biền lệ văn” hoặc “văn tứ lục” (biền là ngựa đi sóng đôi ; ngẫu là đôi, cặp). Văn biền ngẫu có năm đặc điểm :


– Ngôn ngữ đối ngẫu : các vế đối nhau theo bằng trắc, từ loại ;


– Kiểu câu chỉnh tề, câu 4 chữ đối với câu 4 chữ, câu 6 chữ đối với câu 6 chữ hoặc câu 4/4 và câu 6/6 đối nhau ;


– Có vần điệu, bằng trắc hài hoà ;


– Sử dụng điển cố ;


– Sử dụng từ ngữ bóng bẩy có tính phô trương.


Trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi còn có loại câu 5 chữ, 7 chữ, 10 chữ, 14 chữ rất đa dạng.


2. Tác giả


Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là ức Trai, quê gốc làng Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời đến Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cha ông là Nguyễn ứng Long, một học trò nghèo, đỗ Thái học sinh đời Trần. Mẹ là Trần Thị Thái – con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Nguyễn Trãi là vị anh hùng toàn đức, toàn tài nhưng cũng là người chịu nỗi oan thảm khốc hiếm có trong lịch sử. Hết mình phục vụ và giúp đỡ nhà Lê từ khi Lê Lợi khởi nghiệp ở Lam Sơn đến khi triều đình thịnh vượng nhưng ông lại bị chính triều đình ấy tru di cả ba họ.


Năm 1427, giặc Minh sang xâm lược nước ta. Nhiều quan đại thần (trong đó có Nguyễn Phi Khanh) bị chúng bắt đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi là con của Nguyễn Phi Khanh, muốn đi theo cha để phụng dưỡng. Nghe lời cha khuyên nhủ, Nguyễn Trãi đã ở lại, gia nhập nghĩa quân Lam Sơn để đền nợ nước, trả thù nhà.


Trong đoàn quân của Lê Lợi, Nguyễn Trãi trở thành một vị quân sư kiệt xuất. Ông còn dùng ngòi bút của mình để lung lạc ý chí chiến đấu của kẻ thù. Những bức thư của ông trong Quân trung từ mệnh tập từng khiến cho Vương Thông cùng đám quân sĩ của hắn mất tinh thần để rồi cuối cùng phải quy hàng, chấm dứt mười năm đô hộ nước ta.


Khi đất nước thái bình thì Nguyễn Trãi lại gặp hoạ. Với bản tính trung thực, thẳng thắn, ông bị bọn quan lại nịnh thần ghen ghét. Nhân cái chết của Lê Thái Tông, chúng đã ghép ông vào tội giết vua khiến ông phải chịu cái chết rất thảm khốc vào năm 1442. Hơn hai mươi năm sau (1464), vua Lê Thánh Tông mới giải oan cho ông.


Những tác phẩm văn chương của Nguyễn Trãi còn lại với chúng ta ngày nay rất phong phú : ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập,… đặc biệt là Bình Ngô đại cáo – một áng thiên cổ hùng văn, bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước ta (sau bài Nam quốc sơn hà).


3. Bố cục


Bài cáo gồm năm đoạn :


– Đoạn 1 (từ Từng nghe đến Chứng cớ còn ghi) : Nêu luận đề chính nghĩa.


– Đoạn 2 (từ Vừa rồi đến …thần nhân chịu được ?) : Tố cáo tội ác của giặc.


– Đoạn 3 (từ Ta đây đến …lấy ít địch nhiều.) : Lãnh tụ và nghĩa quân trong buổi đầu dấy nghiệp.


– Đoạn 4 (từ Trọn hay đến …chưa thấy xưa nay) : Quá trình kháng chiến đi đến thắng lợi.


– Đoạn 5 (phần còn lại) : Tuyên bố hoà bình, khẳng định ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.


4. Cách đọc


Nhìn chung, giọng đọc toàn bài thể hiện giai điệu mạnh mẽ, hùng hồn của bản “Tuyên ngôn độc lập”, thể hiện tư tưởng nhân nghĩa cao cả, tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc của dân tộc. Đặc biệt chú ý sự đăng đối giữa các câu văn biền ngẫu thể hiện khí thế chiến thắng của quân ta và sự thất bại thảm hại của giặc Minh.


II – Kiến thức cơ bản


Có thể nói : Bình Ngô đại cáo là bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc ta sau Nam quốc sơn hà. Nhưng nó là bản Tuyên ngôn độc lập hùng tráng nhất thời kì trung đại. Nguyễn Trãi viết Bình ngô đại cáo vào giữa lúc niềm vui của cá nhân hoà chung niềm vui lớn của dân tộc. Vì thế mà tác phẩm oai hùng đậm chất sử ca. Tác phẩm Bình Ngô đại cáo có thể được chia thành 4 mạch :


1. Niềm tự hào tự tôn dân tộc


Nguyễn Trãi mở đầu bài cáo bằng một nguyên lí chính nghĩa được các dân tộc thời kì trung đại mặc nhiên thừa nhận :


                                Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân


                                Quân điếu phạt trước lo trừ bạo


Nhân nghĩa là mối quan hệ giữa con người với con người được xây dựng trên cơ sở của tình thương yêu và đạo lí làm người. “Nhân nghĩa” với Nguyễn Trãi là “yêu dân” và “trừ bạo”. Có xuất xứ từ một quan niệm của Nho gia, song đến Việt Nam, Nguyễn Trãi đã biến nó thành một khái niệm đậm tính dân tộc.


Sau khi nêu nguyên lí “nhân nghĩa”, Nguyễn Trãi viết những câu văn thật hào hùng, sang sảng, chất chứa lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đoạn văn nêu ra hàng loạt những chân lí khách quan về sự tồn tại độc lập của một lãnh thổ, một quốc gia. Đó là một đất nước được xây dựng lên từ lịch sử dân tộc có một nền văn hoá lâu đời :


                                Như nước Đại Việt ta từ trước,


                                Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.


                                Núi sông bờ cõi đã chia,


                                Phong tục Bắc Nam cũng khác.


Tất cả đều mặc nhiên “vốn có” : từ núi sông vốn đã phân định rạch ròi đến “phong tục Bắc Nam cũng khác”. Rõ ràng ta có đủ chủ quyền đất nước bởi từ cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán đến nền văn hoá, rồi lịch sử, rồi chế độ ta đều độc lập đứng trên một cái thế đối vững vàng cùng với nền văn minh phương Bắc. So với Nam quốc sơn hà thì Bình Ngô đại cáo thực sự là một bước tiến dài của Nguyễn Trãi trong việc hoàn chỉnh khái niệm về quốc gia, về dân tộc. Không có minh chứng nào thuyết phục hơn cho nguyên lí nhân nghĩa bằng chính “chứng cứ còn ghi” trong lịch sử. Sự thất bại của Triệu Tiết, Toa Đô, ô Mã làm tiêu vong những thế lực phi nghĩa. Cũng đồng thời khẳng định chiến thắng luôn đứng về những người đấu tranh cho chính nghĩa. Cách lập luận của Nguyễn Trãi thật hoàn thiện và cũng đầy sắc sảo.


2. Lòng căm thù lũ giặc bất lương, tàn bạo


Cũng như đoạn văn trên, đoạn kể tội quân thù cũng ngắn nhưng sắc sảo. Một bản cáo trạng đanh thép được viết lên từ một lòng căm thù sục sôi.


Đoạn văn mở đầu, tác giả chỉ rõ :


                                Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,


                                Để trong nước lòng dân oán hận.


                                Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ,


Nguyễn Trãi đã vạch trần âm mưu xâm lược của giặc. Lợi dụng việc Hồ Quý Li cướp ngôi nhà Trần, giặc Minh đã “thừa cơ gây hoạ”. Núp dưới bóng cờ “phù Trần diệt Hồ”, giặc đã giả nhân giả nghĩa để thực hiện bài “mượn gió bẻ măng”.


Âm mưu xâm lược của quân giặc gian xảo bao nhiêu thì chính sách cai trị của chúng càng thâm độc bấy nhiêu. Vẫn là những chính sách cũ nhưng thâm độc hơn nhiều : chúng không chỉ bóc lột vơ vét hết mọi sản vật, sức người, sức của của dân ta mà chúng còn huỷ hoại cả môi trường sống (tàn hại giống côn trùng cây cỏ) và tàn sát con người không biết ghê tay. Hai câu :


                                Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,        


                                Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.


như được viết ra bằng máu và nước mắt của người anh hùng suốt đời một lòng vì dân vì nước.


Vơ vét sản vật, tiêu diệt con người, tội ác của giặc không giấy bút nào tả xiết :


                                Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,


                                Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.


Nguyễn Trãi chọn cái vô cùng (trúc Nam Sơn, nước Đông Hải) để nói đến tội ác của một loài quỷ dữ (thằng há miệng, đứa nhe răng).


Hai câu cuối kết án vô cùng đanh thép :


                                Lẽ nào trời đất dung tha,


                                Ai bảo thần nhân chịu được ?


Tội ác của giặc Minh đã vượt qua cái giới hạn của lẽ trời. Hành động nhơ bẩn của chúng khiến cả thần và người đều không thể tha thứ.


Đứng trên lập trường nhân nghĩa, đoạn văn là máu, là nước mắt, thể hiện sự căm hận sục sôi của Nguyễn Trãi đối với kẻ thù.


3. Âm điệu hào hùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Minh


Tác giả tái hiện hình tượng người anh hùng Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu gian khó :


Ta đây :


Núi Lam Sơn dấy nghĩa,


Chốn hoang dã nương mình


Nhưng cái lớn ở Lê Lợi chính là lòng căm thù giặc sâu sắc. Từ đó mà cái chí của người anh hùng là “tấm lòng cứu nước” như con thuyền lúc nào cũng “đăm đăm muốn tiến về Đông”. Cái chí khí ấy lại được rèn đúc qua những tháng ngày “quên ăn vì giận” để rồi ngay cả trong cơn mộng mị vẫn băn khoăn một nỗi niềm cứu nước. Hình ảnh Lê Lợi vì thế mà đã trở thành biểu tượng tập trung của lòng yêu nước, căm thù giặc “thề không cùng sống”.


Viết về Lê Lợi, Nguyễn Trãi chú trọng gợi lại những ngày tháng mà vị chủ tướng phải “nếm mật nằm gai”, “đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời”. Trong cảm nhận của người đọc, người chủ tướng Lam Sơn vừa vĩ đại lại vừa rất đời thường, gần gũi, tàng ẩn đằng sau sự miêu tả là một triết lí nhân sinh sâu sắc : mỗi người dân đều có thể hoá những anh hùng.


Đã có người dựng cờ khởi nghĩa nhưng những ngày đầu, nghĩa quân còn phải đối diện với biết bao gian khổ : thiếu nhân tài, thiếu binh lính, thiếu quân lương. Nhưng khi “tấm lòng cứu nước” trở thành lời giục gọi thì đội quân “manh lệ chi đồ” mà “phụ tử chi binh” đã “gắng chí khắc phục gian nan” để đến được những thắng lợi cuối cùng. Có lẽ trong việc dùng binh xưa, Lê Lợi là người nhìn ra sớm nhất và cũng đồng thời đánh giá cao nhất vai trò, sức mạnh của những người dân ở tầng lớp đáy cùng (những người manh lệ).


Đoạn văn như bản trường ca hào hùng về khí thế quyết chiến, quyết thắng của nghĩa quân. Một lần nữa, Nguyễn Trãi nhắc lại để khắc sâu nguyên lí nhân nghĩa :


                                Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,


                                Lấy chí nhân để thay cường bạo.


Lời văn dịch chưa thật sát ý. Trong nguyên bản, Nguyễn Trãi đề : “Dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo”. Dưới ngọn cờ đại nghĩa, đội quân của nhà Lê lấy cái chí nhân để làm cho cường bạo phải đổi thay về bản chất chứ không phải cuộc khởi nghĩa chỉ làm một việc giản đơn (lấy chí nhân mà thay vào cường bạo). Câu văn trong nguyên tác thật sâu xa. Cái ác phải bị đổi thay và cái thiện, cái chính nghĩa phải làm cho cái ác phải đổi thay tận gốc.


Đoạn văn được viết sau nguyên lí nhân nghĩa là một đoạn hả hê, sảng khoái. Tiết tấu, âm điệu câu văn dồn dập, ồn ào như tiếng thác. Sự thay đổi đột ngột đó phù hợp với cái khí thế của quân ta đang lên như gió bão. Đoạn văn gợi hình dung toàn cảnh về những ngày tháng cả dân tộc sống trong không khí của sử thi. Những chiến thắng của nghĩa quân liên tiếp như “sấm vang chớp giật”, như “trúc chẻ tro bay”… Theo đó thì sự thất bại của quân thù là tất yếu : “máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm”, “thây chất đầy nội ; nhơ để ngàn năm”. Hàng loạt những động từ mạnh kết hợp với nhạc điệu dồn dập, nhịp văn gấp gáp, hối hả gợi đầy đủ cái khí thế ào ào như vũ bão. Chính nghĩa lướt qua gian tà để cuốn phăng ra bể tất cả những tàn bạo, nhuốc nhơ.


Những mốc thời gian :


Ngày mười tám…


Ngày hai mươi…


Ngày hăm lăm…


Ngày hăm tám…


những cái “danh” không thể giấu nổi sự hèn nhát và nhục nhã : Trần Trí, Sơn Thọ, Lí An, Phương Chính, Vương Thông, Mã Anh… Tất cả làm nên một khung cảnh chiến trường tuy hỗn độn nhưng thế chủ động hoàn toàn đã thuộc về phe chính nghĩa. Quân giặc nhốn nháo, hãi hùng, mỗi tên mỗi vẻ vô cùng thảm hại. Nhưng nhân dân ta vốn ưa hoà bình, không thích cảnh binh đao :


                    Họ đã tham sống sợ chết, mà hoà hiếu thực lòng ;


                    Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.


Quân giặc đã “tham sống sợ chết”, ta cũng chẳng cạn tình. Quan điểm “dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo” của Nguyễn Trãi chính được biểu hiện ở đây. Hành động nhân ái của ta càng tô thêm cái chính nghĩa và lòng nhân đạo sáng ngời của dân tộc Việt.


4. Cảm hứng về ngày độc lập và cảm hứng về tương lai của đất nước


Kết thúc bài cáo, Nguyễn Trãi trịnh trọng, vui mừng thay mặt Lê Lợi tuyên bố với nhân dân cả nước thắng lợi vừa qua. Từ đây dân tộc bước vào một thời đại mới. Độc lập, tự do và sự yên bình lại trở về trên mỗi miền quê. Đoạn văn dựa vào những quy luật tất yếu của tự nhiên mà khái quát thành những điều tất yếu trong xã hội. Xã hội phải đối diện với “những sự đổi thay” nhưng cũng như càn khôn “bĩ rồi lại thái”, như nhật nguyệt “hối rồi lại minh”. Và dường như cũng chỉ có như vậy ta mới thấu hết được cái ý nghĩa của hình ảnh đất nước trong gian lao, và mới hiểu thế nào là “muôn thuở nền thái bình vững chắc”. Đất nước đã thanh bình, hình ảnh đất nước trong tương lai vững vàng và tươi sáng : “Bốn phương biển cả thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn”.


Một áng “thiên cổ hùng văn” kết hợp hài hoà cái tinh tuý cá nhân và thời đại. Bằng một bút lực tuyệt vời, Nguyễn Trãi đã tự bất tử hoá tác phẩm của mình, biến nó thành một tác phẩm “vô tiền khoáng hậu” – mãi mãi là bài ca giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.


III – Liên hệ


1. Cáo là hình thức văn chính luận, nên phải phản ánh được nội dung chính trị quy định một cách chặt chẽ, nhưng bài đại cáo này lại được Nguyễn Trãi viết theo thể tứ lục biến cách với đặc tính gợi tả qua nhiều hình tượng sinh động, và âm thanh phong phú, khiến cho bài văn có đoạn trầm hùng của khí thế xung trận, lại có đoạn lắng đọng trong niềm xúc cảm của tâm can… Nếu nói rằng tư tưởng chủ đạo của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là tư tưởng “đánh vào lòng người” (tư tưởng “tâm công”), thì nghệ thuật bài đại cáo này cũng đạt đến trình độ “đi vào lòng người”, đi vào tình cảm cao quý nhất của con người đất Việt, tình cảm yêu nhân nghĩa, yêu hoà bình qua sắc thái của ngôn từ. Đúng như Võ Khâm Lân, một nhân sĩ ở thế kỉ XVII, đã nhận xét, bài đại cáo này quả là “một áng thiên cổ hùng văn” (một bài văn có lời sắc bén vốn có xưa nay), nó là sự kết tinh của bút pháp anh hùng ca với bút pháp trữ tình, là sự nhuần nhuyễn giữa yếu tố chính trị với yếu tố nghệ thuật.


Tất nhiên, trong áng hùng văn này, chúng ta cũng phải loại trừ một vài chi tiết mà ngày nay, có thể coi là chưa thích đáng, do hạn chế của thế giới quan tác giả thời bấy giờ, thí dụ, tác giả đã theo Lê Văn Hưu trong Đại Việt sử kí xếp triều đại Triệu Đà vào triều đại khai sáng của dân tộc ta, hay ở phần cuối, khi nêu ra nguyên nhân thắng lợi, tác giả đã cho rằng : “Âu cũng nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy !”. Nếu cho rằng đó là một cách phát biểu để đề cao truyền thống yêu nước từ tổ tiên ta chuyển tới thì chắc hẳn cũng được, nhưng nếu nói là có một yếu tố thần kì có tính chất siêu hình quyết định sự thành công trọng đại này, thì hoàn toàn không đúng ; yếu tố thần kì đó thật ra chỉ là sức mạnh tổng hợp vật chất và tinh thần của quân dân thời khởi nghĩa Lam Sơn, là sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân trong khuôn khổ thời khởi nghĩa Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Lê Lợi và bộ tổng tham mưu, trong đó có nhà thao lược xuất sắc Nguyễn Trãi.


Tuy nhiên, một vài tì vết nhỏ bé đó không làm mờ được ánh hào quang toả ra tự áng văn gần như “toàn bích” này…


 (Bùi Văn Nguyên, Giảng văn, tập 1, Sđd)


2. Đại cáo bình Ngô từ bao đời được coi như một áng “thiên cổ hùng văn” nói lên khí phách anh hùng và tâm hồn cao đẹp của cả dân tộc Việt Nam.


Đại cáo bình Ngô được thể hiện qua ngọn bút thiên tài của Nguyễn Trãi, trở thành sản phẩm tinh thần đẹp nhất của thời đại ông. Có thể nói Đại cáo bình Ngô là tác phẩm tập thể của toàn thể nhân dân ta dưới sự chỉ đạo tuyệt vời của lãnh tụ Lê Lợi. Nói như thế không có nghĩa là làm giảm giá trị của Nguyễn Trãi trong Đại cáo bình Ngô mà chính là đặt ông vào vị trí cao nhất trong lịch sử văn học Việt Nam.


Nhà thơ chân chính của dân tộc không bao giờ chỉ là một con người ấp ủ và thổ lộ những tâm tư thầm kín của riêng mình. Nhà thơ chân chính phải là người ngày đêm sống với những lo âu, hoài bão và ý chí của dân tộc, để từ đó kết tinh lại trong tâm hồn và tác phẩm của mình những gì đẹp nhất, lớn nhất, sâu nhất của dân tộc. Nguyễn Trãi là nhà thơ như thế và chính ông là người đã nêu cao truyền thống ấy của những nhà thơ chân chính ở Việt Nam.


Đại cáo bình Ngô là một tác phẩm vừa văn học vừa khoa học. Nó phân tích ta là ai, địch là ai, vì sao ta kiên cường chiến đấu, vì sao dân tộc ta luôn luôn chiến thắng và muôn đời bất diệt.


Đại cáo bình Ngô là tấm gương soi của đất nước Việt Nam, của con người Việt Nam. Nó là bản anh hùng ca về ý nghĩ, thái độ và việc làm của toàn thể nhân dân ta suốt đời này qua đời khác. Nó là tiếng vọng của ngàn xưa cho đến mai sau, mãi mãi nói lên rằng chúng ta, những người Việt Nam, chúng ta đã sống như thế, đang sống như thế và sẽ sống như thế.


Đại cáo bình Ngô chính là bản tuyên ngôn về lẽ sống của chúng ta.


 (Vũ Khiêu, Trên đường tìm hiểu sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi,


                                                                     NXB Văn học, 1980)

Giới thiệu chung :

Adobe® After Effects® là phần mềm tạo ra hiệu ứng kỹ xảo ảo mạnh nhất hiện nay dành cho hệ PC. Đến với giáo trình căn bản của Adobe® After Effects® bạn sẽ được học về giao diện, cameras và lighting, animation.

Thu, chỉnh sửa, và đưa video vào đĩa, web, và các thiết bị di động.Kể câu chuyện của bạn một cách ấn tượng nhất sử dụng phần mềm Adobe® Premiere® Pro , giải pháp đầu cuối để tạo video hiệu quả giờ bao gồm Adobe OnLocation™ * (chỉ cho Windows®) và Adobe Encore® . Tiết kiệm thời gian từ việc bắt hình nhờ sử dụng Adobe OnLocation through để xuất, mở rộng các tùy chọn qua sự tích hợp với Adobe After Effects® Professional và Photoshop® software, và đưa nội dung vào đĩa DVD, Blu-ray, web, và các thiết bi di động

I.Adobe After Effect CS4 Portable 



II.Adobe After Effect CS6 Portable




I – Gợi dẫn
1. Anh Thơ (1921 – 2005) còn có các bút danh khác là Tuyết Anh và Hồng Minh. Tên khai sinh là Vương Kiều Ân, sinh ngày 25 – 1 – 1921, tại thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương trong một gia đình viên chức nhỏ xuất thân Nho học. Quê quán là thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Anh Thơ chưa học hết Tiểu học nhưng ham văn chương, chịu khó đọc sách. Anh Thơ xuất hiện trong phong trào Thơ mới với những bài thơ viết về nông thôn Việt Nam. Thơ của bà thiên về tả cảnh. Đó là cảnh làng quê Việt Nam êm đềm với những hình ảnh dung dị và thân thuộc. ẩn sau những bức tranh quê trong sáng thường thoảng chút buồn thương vương vấn chung của nhân vật trữ tình. Đó là nỗi buồn chung của thơ mới 1930 – 1945.
Anh Thơ tham gia cách mạng từ 1945, từng là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khoá I và II) ; từ 1971 đến 1975 công tác tại tạp chí Tác phẩm mới ; uỷ viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật.
2. Tác phẩm đã xuất bản : Bức tranh quê (thơ, 1941) ; Xưa (thơ, in chung, 1942) ; Răng đen (1944) ; Hương xuân (thơ, in chung, 1944) ; Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ, 1957) ; Theo cánh chim câu (thơ, 1960) ; Đảo ngọc (thơ, 1963) ; Hoa dứa trắng (thơ, 1967) ; Mùa xuân màu xanh (thơ, 1974) ; Quê chồng (thơ, 1977) ; Từ bến sông Thương (hồi kí, 1986) ; Tiếng chim tu hú (hồi kí, 1995) ; Lệ sương (thơ, 1995).

Anh Thơ đã được nhận giải thưởng Tự lực văn đoàn năm 1939 với tập thơ Bức tranh quê.


3. Chiều xuân được in trong tập Bức tranh quê, tập thơ gồm 41 bài viết về nông thôn Việt Nam. Với tập thơ này, Anh Thơ cùng với Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ đã mang đến cho thơ mới Việt Nam hơi thở nồng nàn của quê hương Việt Nam.


Bài thơ gồm ba khổ là ba bức tranh vẽ bao cảnh khác nhau của một vùng quê Việt Nam. Cả ba bức tranh đều đẹp, rất thanh bình nhưng vắng lặng và gợi buồn.


4. Đọc chậm, để cảm nhận những nét chấm phá rất gợi của bức tranh chiều xuân.


II – Kiến thức cơ bản


Anh Thơ là một gương mặt nữ của phong trào Thơ mới 1930 – 1945. Với chất nữ tính đậm đà trong sáng tác, bà đã góp phần làm đa dạng giọng điệu của thơ mới. Tập thơ Bức tranh quê là tập thơ thành công nhất gắn với tên tuổi của nhà thơ. Và Chiều xuân là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Anh Thơ trước Cách mạng. Bài thơ là một bức tranh quê đẹp và thật đáng yêu. Mỗi khổ thơ là một bức tranh với những hình ảnh vô cùng quen thuộc và thân thương đối với người Việt Nam.


Anh Thơ xuất thân trong một gia đình viên chức nghèo nguồn gốc Nho học ở một thị trấn nhỏ. Tuy học ít nhưng bà lại ham đọc sách và yêu văn chương. Đứng trước hiện thực đen tối và cảnh mất tự do của cả dân tộc, nhiều trí thức tiểu tư sản có tấm lòng với dân tộc đã rơi vào tâm trạng buồn chán và bế tắc. Họ không thể tìm được cho mình con đường thực hiện lí tưởng. Và họ đành lòng để mình chìm đắm trong nỗi sầu thảm của văn chương. Họ đến với văn chương như tìm đến cõi mơ, cõi tự do của riêng mình, để quên sầu và quên đời. Vì vậy mà đến với thơ mới, người ta thấy nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Mà có vui thì cũng chỉ là vui gượng mà thôi. Vui và sôi nổi như Xuân Diệu cũng luôn ẩn chứa những hoài nghi, lo lắng và thắc thỏm. Các nhà thơ mới, bằng cách riêng và con đường riêng của mình đã luôn cố gắng để hoặc là trốn tránh hiện thực hoặc là đối diện với hiện thực để buồn đau sầu não, hoặc là tự ru mình trong thế giới tưởng tượng của những giấc mơ ngọt ngào để sống. Họ đã sống hết mình với thơ bằng trái tim tuổi trẻ luôn căng đầy sự sống và tình yêu quê hương đất nước để mang đến cho đời những thi phẩm hay.


Anh Thơ là nhà thơ nữ, nên niềm vui, nỗi buồn, tình yêu quê hương trong thơ bà cũng nữ tính hơn. Thơ của Anh Thơ dịu dàng và đằm thắm. Nỗi buồn trong thơ bà cũng nhẹ nhàng và sâu lắng hơn. Những nét phong cách ấy đã thể hiện rõ trong Chiều xuân.


Bài thơ tả cảnh chiều xuân nơi đồng quê Bắc Bộ. Thời gian và không gian nghệ thuật đều lãng mạn và nên thơ. Buổi chiều là khoảnh khắc dễ nảy sinh cảm xúc, mà ở đây lại là buổi chiều xuân nơi thôn quê. Nhà thơ đã quan sát, đã lựa chọn những hình ảnh, những chi tiết rất đặc trưng của cảnh vật để phác hoạ nên bức tranh mùa xuân.


Bức tranh thứ nhất chọn điểm nhấn là bến đò. Bến đò là hình ảnh vô cùng quen thuộc, có thể nói là hình ảnh tượng trưng cho những miền quê Bắc Bộ. Nó đã đi vào thơ ca như là biểu tượng của quê hương. Bức tranh bến vắng được thi sĩ miêu tả bằng bốn câu thơ :


Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,


Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi ;


Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng


Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.


Một khung cảnh vắng lặng và nên thơ. Mỗi câu thơ đặc tả một hình ảnh. Và đó là bốn hình ảnh rất đặc trưng của nông thôn Việt Nam : một bến đò vắng khách với con đò, quán nhỏ và cây xoan đầy hoa tím. Cảnh đẹp, bình yên nhưng gợi buồn. Bức tranh quê này có thể làm cho tâm hồn con người yên ổn nhưng không thể bớt buồn.


Bức tranh thứ hai, nhà thơ chọn điểm nhấn là con đê làng. Vẫn là hình ảnh đặc trưng của những miền quê Bắc Bộ. Hình ảnh con đê đã từng đi vào thơ ca nhạc hoạ như là biểu tượng của những miền quê. Chàng trai trong thơ Nguyễn Bính từng “đợi em ở mãi con đê đầu làng” để “van em em hãy giữ nguyên quê mùa”. Con đê trong buổi chiều xuân qua cảm nhận của nữ thi sĩ không buồn vắng như bến đò :


Ngoài bờ đê cỏ non tràn biếc cỏ,


Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ ;


Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,


Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.


Cảnh vật thân thương và bình yên quá đỗi. So với cảnh bến vắng, cảnh trên đê vui hơn, sinh động và nhiều sức sống hơn. Một con đê trải dài màu xanh biếc của cỏ non. Đám cỏ đẫm ướt mưa xuân ấy đã khiến nhà thơ có một liên tưởng thật độc đáo : đàn trâu bò đang ăn cỏ mà như đang ăn mưa. Thật độc đáo và nên thơ. Bức tranh gợi cảm giác thanh bình, vắng nhưng chỉ phảng phất buồn, dường như nỗi cô đơn của bến vắng đã vơi đi phần nào.


Thế nhưng bức tranh quê dù đẹp đến đâu, thanh bình đến đâu cũng sẽ trống trải nếu thiếu hình ảnh con người. Con người xuất hiện sẽ làm cho bức tranh có sức sống hơn. Khi vẽ bức tranh mùa thu buồn trong Đây mùa thu tới, Xuân Diệu đã không quên hình ảnh một người thiếu nữ “Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”. Dù “buồn không nói” nhưng hình ảnh thiếu nữ đã mang đến hơi thở của sự sống cho bức tranh thu. Và phải là thiếu nữ thì mới hợp với vẻ buồn nhưng rất đẹp và lãng mạn của mùa thu. Hàn Mặc Tử khi vẽ một bức tranh thôn Vĩ đẹp và tràn đầy sức sống ở Đây thôn Vĩ Dạ cũng điểm một “gương mặt chữ điền” thấp thoáng sau vòm lá. Thiên nhiên và con người trong thơ mới luôn có sự giao hoà bởi các nhà thơ mới tìm đến với thiên nhiên như tìm đến với cõi tâm linh, với thế giới thanh bình để giải thoát mình khỏi sự phũ phàng của hiện thực.


Và tất nhiên, bức tranh quê của nữ thi sĩ Anh Thơ cũng không có lí do gì lại thiếu vắng con người :


Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,


Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,


Làm giật mình một cô nàng yếm thắm


Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.


Bức tranh cánh đồng là bức tranh nhiều sắc màu và sinh động nhất. Đặc biệt sự xuất hiện của “cô nàng yếm thắm” đã làm cho cảnh vật đẹp và nên thơ hơn. Hình ảnh thơ bộc lộ chất lãng mạn trong tâm hồn nữ thi sĩ hiếm hoi của phong trào Thơ mới này. Nhà thơ đã khéo tạo nên tình huống cho sự xuất hiện của cô nàng yếm thắm. Cái giật mình của cô gái được tạo nên bởi “Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra” là một điểm nhấn nghệ thuật của bài thơ. Nó diễn tả được vẻ say sưa lao động của cô gái và quan trọng hơn nó đã làm nổi bật được vẻ tĩnh lặng của chiều xuân. Nhà thơ đã vận dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh để làm nổi bật hơn cái thanh bình đến vắng lặng chốn đồng quê.


Ba bức tranh vẽ ba cảnh khác nhau nơi đồng quê trong một thời điểm và đều ẩn dưới làn mưa xuân bay nhè nhẹ. Đó là ba bức tranh đẹp, có sức sống và gợi tả thành công sự tĩnh lặng và thanh bình của chốn thôn quê. Nhưng cũng chính cái vẻ thanh bình ấy khiến cho bài thơ phảng phất nỗi buồn. Nhiều người vẫn nói đó là nỗi buồn đặc trưng của thơ mới, nỗi sầu nhân thế của một lớp thanh niên trí thức Việt Nam những năm ba mươi.


Chiều xuân là bức tranh đẹp về làng quê Việt Nam. Nó thể hiện lòng yêu quê hương đất nước của thi sĩ. Vẻ đẹp của bài thơ có sức lay động tâm hồn con người, khiến mỗi người có cơ hội để hồn mình lắng xuống sau những sôi động xô bồ của cuộc sống đời thường để “thấy quê mình vẫn đẹp vẫn thân thương”. Có thể Chiều xuân không được xếp vào hàng những thi phẩm xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới nhưng thi phẩm này sẽ có sức sống trong lòng những bạn đọc yêu thơ vốn yêu cuộc sống thanh bình và vẻ đẹp truyền thống của những làng quê Việt Nam.


III – liên hệ


Chọn chiều mưa bụi, Anh Thơ có dịp nói được cái đặc sắc của thời tiết xứ Bắc. Nông thôn ta hồi đó thưa vắng (cả nước hai mươi triệu dân), nền kinh tế tiểu nông càng khép kín xóm làng, cuộc sống yên tĩnh, có phần ngưng đọng. Trong chiều mưa lạnh này, nơi bến sông rìa làng càng tiêu điều vắng vẻ. Một khung cảnh không âm thanh, không sắc màu tươi sáng : mưa rơi rất êm, bến rất vắng, có được con đò thì cũng lười biếng bất động, một quán nước không người. Động đậy một chút chỉ là những cánh hoa xoan tím rụng tơi bời. Nhưng những cánh hoa ấy lại quá nhỏ và nhẹ, nó lẫn với màn mưa rồi cùng chìm vào cái vắng và lặng của trời chiều.


Ba đoạn thơ là ba khung cảnh. Cảnh đầu tiên là bến vắng. Cảnh hai là đường đê. Vẫn làn mưa bụi ấy bay dăng nhưng đã có sự hoạt động : có đàn sáo khi bay khi đậu, có trâu bò gặm cỏ, và những cánh bướm rập rờn trôi trước gió. Đoạn thơ có nhiều nét tươi mát và thơ mộng, chứng tỏ người viết biết quan sát và lại có hồn thơ nên cảnh vừa thực lại vừa có cái kì ảo, như câu thơ : Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa hay cái sắc cỏ non tràn biếc cỏ và đàn sáo mổ vu vơ. Những ý thơ ấy điểm xuyết cho những câu thơ tả thực, tạo nên cái lung linh sinh động của cảm giác, ảo giác. Có những cảnh bình thường, quen thuộc, hàng ngày ai cũng thấy, qua mắt nhìn Anh Thơ bỗng nhiên mới mẻ đầy kì thú. Nhìn, đã thành một phát hiện. Năng khiếu thơ chính ở chỗ này, nó phải thấy được những gì mà người thường không thấy.


(Vũ Quần Phương, Thơ với lời bình, Sđd)

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget